(SLRI) – Trong tổng số 624.000 doanh nghiệp Việt Nam thì 97,7% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Nghị định số 66/2008/NĐ-CP xác định rõ đối tượng hỗ trợ pháp lý là doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Nghị định này được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động (khoản 1 Điều 3). Doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP được hiểu là doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Điều 1).
Pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến Nghị định số 55/2019/NĐ- CP được ban hành (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) mặc dù tên gọi là Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng tại Điều 19 Nghị định quy định hỗ trợ pháp lý cho đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như sau: “Tùy thuộc vào nguồn lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ pháp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Trên thực tế từ năm 2008 (năm ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) đến nay (khi ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP) công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung (tùy thuộc vào nguồn lực) không phân biệt hình thức sở hữu và quy mô hoạt động, nhưng tập trung nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của Luận án, Nghiên cứu sinh vẫn sử dụng thuật ngữ “hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” là chủ yếu, tuy nhiên, các hiểu ở đây là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, trong đó tập trung vào hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, do vẫn còn có những quan điểm khác nhau về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp này nên chưa có một khái niệm chính thức về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung trên thế giới trong phạm vi hiểu biết của tác giả và ngay tại Việt Nam cũng có những quan điểm còn khác nhau.
Quan điểm thứ nhất15 của một số nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải tự thân thực hiện pháp luật, Nhà nước không được hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vì hành động này có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, có thể gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Quan điểm thứ hai16 của một số nước và Việt Nam đã được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật thì cho rằng, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo là một loại dịch vụ công, là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hợp lý, cần thiết, không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp và không vi phạm các cam kết quốc tế cũng như thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới (hầu hết các nước thuộc Cộng đồng chung Châu Âu coi việc thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là trách nhiệm của Nhà nước. Tại Cộng hòa Pháp, năm 1978 đã ban hành Luật số 78-753 quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời chính xác mọi câu hỏi của cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến các quy định pháp luật17. Tại nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về tài chính, kỹ thuật, cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được vận hành hiệu quả, đặt trọng tâm vào các giải pháp phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh, hỗ trợ cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tại các quốc gia này tránh những thua thiệt không đáng có, ngày càng khẳng định vị thế không chỉ tại thị trường nội địa mà ngày càng phát triển vững bền trên trường quốc tế). Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không những không ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ pháp lý mà còn là biện pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam phát triển.
Loại quan điểm thứ ba18 của một số nước và ở Việt Nam vẫn có một số quan điểm vẫn cho rằng, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải là tổ chức nòng cốt và chủ yếu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên; Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước đối với công tác này.
Mỗi loại quan điểm nêu trên đều có những cơ sở, lý lẽ riêng, tuy nhiên, theo tác giả, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới vẫn cần phải được coi là một nhiệm vụ (chức năng) quan trọng của Nhà nước ta với các lý do như: (1) nhận thức về pháp luật của nhiều chủ sở hữu, doanh nghiệp còn hạn chế (97,7% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ)19; (2) nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc thực hiện pháp luật (kể cả việc tiếp cận thông tin pháp luật và thuê dịch vụ tư vấn pháp luật). Trong khi đó, các công chức, cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm, làm tròn trách nhiệm trong việc thông tin, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp20; nhiều thắc mắc, ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về các quy định pháp luật chưa được giải đáp kịp thời và chưa tiếp thu hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là các quy định pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó đã thiết lập cơ chế thực hiện các hình thức, nội dung của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện hoạt động này với một số vấn đề khác có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các hoạt động Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010- 2014), Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT- BTP-BTC ngày 12/10/2010 hướng dẫn lập, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi Bộ, ngành và địa phương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi… Đặc biệt, ngày 12/6/2017, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ ba ngày 12/6/2017 đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong đó, tại Điều 14 đã quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa21. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện khoản 3 Điều 14 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó, Chính phủ cam kết đổi mới môi trường kinh doanh cũng như đưa ra những đích đến rất cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam như xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp22 hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 28/4/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP trong đó đã xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020.
Các chính sách trên cùng với sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đặc biệt là việc triển khai các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước, theo đó, cần phải coi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một chức năng của Nhà nước, có tính chất lâu dài chứ không phải nhất thời như một số người đã từng quan niệm.
Như vậy, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo) đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, khái niệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được hiểu một cách thống nhất. Từ điển Luật học – Nhà Xuất bản Từ điển Bách Khoa, Nhà Xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2006, chưa đưa ra được khái niệm về “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Đề tài khoa học của Bộ Tư pháp năm 2008 về “Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và việc mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” cũng chưa làm rõ khái niệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà chủ yếu nghiên cứu về các hình thức và cơ chế hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
ThS.Nguyễn Văn Nam