SLRI – Hủy bản án, quyết định của Tòa án là một biện pháp quan trọng góp phần hạn chế tình trạng oan, sai đối với các bản án, quyết định của Tòa án; nhằm đảm bảo tính đúng đắn trong thực tiễn áp dụng pháp luật, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp ở nước ta và xu thế phát triển chung của thời đại trong giai đoạn hiện nay. Bài viết xoay quanh vấn đề liên quan đến huỷ bản án, quyết định của Toà án.
1. Huỷ bản án, quyết định của Toà án là gì?
Hủy bản án, quyết định của tòa án là việc Toà án có thẩm quyển ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án cấp dưới khi phát hiện bản án, quyết định đó có sai sót.
2. Thẩm quyền huỷ bản án, quyết định của Toà án?
Bản án hoặc quyết định của Tòa án khi phát hiện là đã phạm phải những sai sót sẽ bị kháng cáo, kháng nghị theo luật định và được Toà án có thẩm quyền xem xét lại. Bản án hoặc quyết định có thể bị hủy căn cứ vào tính chất bản án, quyết định đó và hậu quả của bản án, quyết định đó gây ra đối với các đương sự. Chỉ Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mới có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án. Pháp luật quy định cụ thể trình tự và thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án.
Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại hoặc xét xử lại và hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Khi hủy án sơ thẩm để xét xử lại, Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ; cũng như, không quyết định trước về điều khoản bộ luật và chế tài mà Tòa án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng. Đối với trường hợp hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, nếu Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm thì ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo vô tội và đình chỉ vụ án,
Tòa án thực hiện tái thẩm có thẩm quyền ra quyết định hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra hoặc xét xử lại và hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để đình chỉ vụ án.
3. Các trường hợp huỷ bản án, quyết định của Toà án
Căn cứ Khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 358. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:
a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.”
Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sợ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu việc điểu tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
Việc điều tra ở cấp sơ thẩm bao gồm cả việc điều tra ở giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm. Việc điều tra bị coi là không đầy đủ nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án (như các tình tiết buộc tội, gỡ tội hoặc các tình tiết có thể ảnh hưởng đên việc xác định tội danh, quyết định hình phạt đối với bị cáo…).
Trong trường hợp cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, hay có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, vì trong trường hợp này, bản án có thể phản ánh không, không đầy đủ hoặc sai lệch so với sự việc đã diễn ra, các phán quyết của tòa sơ thẩm không hợp lý.
Khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm quy định:
“2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:
a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”
Hội đồng xét xử sơ thẩm phải đúng theo sự quy định của pháp luật. Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.”. Như vậy khi rơi vào trường hợp thành phần của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không đúng thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
“Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.”
Như vậy, khi một bản án thuộc một trong các trường hợp trên theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự tại Điều 358 và Điều 359 thì bản án sơ thẩm sẽ được tuyên huỷ để điều tra lại hoặc xét xử lại hoặc đình chỉ.
3.2. Trong vụ án dân sự
Theo Điều 310 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 310. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”
“Điều 311. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này.”
Như vậy, trong một vụ án dân sự, một bản án sơ thẩm sẽ được tuyên huỷ hoặc huỷ một phần bản án hoặc đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc vào một trong những điều kiện luật tố tụng dân sự quy định tại Điều 310 và Điều 311.
3.3. Trong vụ án hành chính
Khoản 3, 4 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định:
“Điều 241. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm
3. Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được.
4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án nếu trong quá trình xét xử sơ thẩm có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật này.”
Khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong hai trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng
Có thể thấy, “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là căn cứ pháp lý đầu tiên để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, lại không có quy định giải thích cụ thể các sai sót bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và cũng chưa đề ra tiêu chí phân biệt ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng. Một số vi phạm thủ tục tố tụng thường xảy ra dẫn đến việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại như sau: vi phạm về thành phần hội đồng xét xử; xác định không đúng tư cách đương sự; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng khi giải quyết vụ án; không thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa khi thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi theo quy định của luật tố tụng hành chính; vi phạm về thủ tục tiến hành phiên tòa; bỏ sót chưa giải quyết triệt để hết các yêu cầu của người khởi kiện; không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của người khởi kiện không đúng, xác định nhầm đối tượng khởi kiện, việc nghị án không đúng…
Trường hợp thứ hai: Phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được
Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Trong tố tụng hành chính, chứng cứ được xem là căn cứ quan trọng không thể thiếu để Tòa án giải quyết vụ án khách quan, chính xác và đúng pháp luật.
Phòng luật
(tổng hợp & phân tích)