– Những con số khô khốc ấy liên tục vang lên tại phiên tòa xét xử ly hôn, phân chia tài sản mà cả nguyên đơn và bị đơn đều đã ở độ tuổi xế chiều.
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Sau 36 năm đầu gối tay ấp, họ đưa nhau ra tòa ly hôn và đòi chia tất cả tài sản chung với quyết tâm không ai nhường ai.
Nghĩa tình đã cạn
Ông bà kết hôn từ năm 1980. Bà là giáo viên, ông là cán bộ tại một học viện quân y ở Hà Nội. Không sinh được con, họ đã nhận nuôi hai con, một trai một gái.
Bà cho biết hai vợ chồng họ mâu thuẫn từ năm 2009 khi ông về hưu, mở phòng khám riêng thì có quan hệ tình cảm với nữ nhân viên phòng khám. Ông ở lại phòng khám luôn mà không về nhà. Năm 2012, bà đâm đơn ra tòa xin ly hôn.
Mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, họ được tòa sơ thẩm xử ly hôn. Vụ án kéo dài bốn năm nay vẫn chưa giải quyết xong vì vẫn còn nhùng nhằng về phân chia tài sản.
Họ có căn nhà ba tầng ở khu tập thể và căn nhà hơn 200m2 ở quận Hà Đông của bố mẹ ông cho. Trước khi ra tòa, họ đã thỏa thuận tại phòng công chứng rằng nhà ở học viện quân y sẽ giao cho bà quản lý, nhà đất ở quận Hà Đông sẽ thuộc về ông.
Đến ngày ra tòa, cả ông lẫn bà đều thay đổi ý kiến đòi chia tất cả tài sản.
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Hà Đông cho rằng ngôi nhà ở học viện quân y được cấp theo tiêu chuẩn cho ông, công sức của ông nhiều hơn nên chia cho ông 70%, bà 30% giá trị căn nhà.
Riêng căn nhà thứ hai tòa sơ thẩm xác định công sức hai bên bằng nhau nên chia đều. Bà được sử dụng một số đồ dùng cá nhân như tivi, tủ lạnh, bàn ghế gỗ… Ông sử dụng chiếc ôtô có giá trị hơn 350 triệu đồng. Sau bản án sơ thẩm, cả ông lẫn bà đều lần lượt kháng cáo lên TAND TP Hà Nội.
Phiên tòa phúc thẩm mới mở đầu phần xét hỏi, bà đã “tố” ông liên hồi: “Ông ấy là đồ lật lọng, thỏa thuận rồi ra tòa lại thay đổi. Tôi sống với ông ấy bao nhiêu năm mà không được nhận đồng lương nào của ông ấy…”.
Vị thẩm phán yêu cầu bà giữ trật tự nhưng bà vẫn nói không dứt.
“Nhà ở học viện quân y chia 70-30 nghiêng phần nhiều về ông ấy là thiệt thòi cho tôi quá, phải chia ông 60, tôi 40 mới công bằng. Riêng chiếc ôtô ông ấy đang đi cũng phải chia cho tôi một nửa” – bà đề nghị với tòa.
Ông phản ứng: “Chiếc ôtô nếu chia thì tôi phải được 70%, bà 30% vì xe đó là do tôi vay tiền của bạn để mua, giờ vẫn chưa trả được nợ. Nếu bà đòi chia xe thì phải chia đôi nợ với tôi.
Bà cũng đừng có sai lầm mà đòi chia nhà theo tỉ lệ 60-40 vì một căn là của cơ quan cấp cho tôi, căn còn lại là bố mẹ tôi cho, tôi phải được phần nhiều hơn…”.
Rồi ông liệt kê bộ sofa hơn 40 triệu đồng, một tivi 40 inch trị giá 17 triệu đồng, một máy giặt trị giá 6 triệu đồng… ông đều để lại cho bà sử dụng.
Bà phủ nhận ngay: “’Khi ly thân vào năm 2010, ông mang phần đồ của ông đi hết rồi”. Bà còn kể trước đây ông đã bán một phần đất ở quận Hà Đông được 1,3 tỉ đồng nhưng không chia cho bà.
Ông không chịu thua: “Nếu bà đòi tôi chia số tiền bán đất thì bà cũng phải chia đôi số đồ đạc bà đang sử dụng…”.
Dùng dằng không ai nhường ai, cuối cùng ông đòi cả nhà đất và ôtô đều phải chia hai phần 70-30, tất nhiên giá trị lớn hơn phải nghiêng về phần ông.
Riêng bà vẫn cương quyết không chịu nhún nhường: “Chia thế thiệt thòi cho tôi quá, phải 60-40 tôi mới chịu”.
Chia sao cho rạch ròi?
Thấy ông bà căng thẳng, tòa ra sức hòa giải: “Ông bà đã lớn tuổi, theo đuổi vụ kiện từ năm 2012 tới nay, ai cũng mệt mỏi hết rồi, có thỏa thuận được thì nên thỏa thuận với nhau để tòa giải quyết”.
Bao nhiêu lời thẩm phán phân tích về tình về lý, bà đều không nghe. Tranh cãi nhau một lúc, bà tức giận quá không đòi chia 60-40 nữa mà “tôi lấy ông ấy hơn 30 năm nay không nhờ vả được gì, giờ tất cả tài sản phải chia 50-50 thì tôi mới chịu”.
Vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông hỏi: “Chiếc ôtô trị giá có 350 triệu đồng, ông đòi chia làm hai phần 70-30 nghiêng về phía ông, bà lại đòi chia 50-50, giờ thử thỏa thuận chia 60-40 nghiêng phần nhiều về ông thì bà có đồng ý không?”.
Bà cương quyết: “Tôi không đồng ý”. Vị chủ tọa nghe thế liền ngao ngán bảo: “Chỉ có 10% giá trị của chiếc xe 350 triệu đồng mà ông bà không ai nhường ai, vậy thì làm sao chúng tôi giải quyết được?…”.
Ông nghe tòa phân tích một lúc thì mềm lòng, quyết định chia cho bà 40% giá trị chiếc xe thay cho 30% như lúc đầu. Rồi ông tố bà giữ sổ hưu của ông không chịu đưa, ông đòi mãi bà cũng không trả.
Bà đáp trả lại ngay: “Tôi thèm vào cái sổ lương của ông, kinh tế gia đình bao nhiêu năm tôi lo cả. Lương của ông sao bằng lương tôi được, tôi làm bao nhiêu việc, ông làm có mỗi một việc”. Ông đáp lại: “Đàn bà ghê gớm như bà thì ai sống chung được”…
Sau ba giờ tranh cãi với những con số 70-30, 40-60, 50-50, 10% hay 20%…, nhưng họ vẫn không ai nhường ai. Cuối cùng, ông cương quyết đòi chia tất cả tài sản thành hai phần 70-30, bà đòi chia 50-50.
Không thỏa thuận được với nhau, cộng với việc cấp sơ thẩm có một số sai sót không thể khắc phục được nên tòa phúc thẩm quyết định hủy án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Họ kéo nhau ra về bằng vẻ hậm hực. Sau bốn năm tham gia tố tụng, ông bà lại quay trở về vạch xuất phát ban đầu từ những ngày mới nộp đơn ly hôn. Trên đầu hai người, tóc đã có thêm nhiều sợi bạc.
Khi tòa nghị án, bà kể với người dự khán rằng họ cưới nhau từ những ngày hai bàn tay trắng, chẳng có tài sản gì có giá trị.
Suốt thời tuổi trẻ, họ đã cùng nhau gây dựng sản nghiệp để giờ đây khi mái đầu ngả bạc, họ phải kéo nhau ra tòa để chia cho rạch ròi. Bà lại tiếp tục câu chuyện như ở trước tòa, rằng ông ăn bám, vô trách nhiệm với vợ con, bà phải đi dạy thêm, làm thêm bao nhiêu việc để kiếm tiền… Bà vừa rời đi, ông liền bảo: “Bà ấy là giáo viên, lương làm sao bằng lương bác sĩ như tôi được. Tôi già rồi, không muốn ra tòa nhưng vì bà ấy bảo thủ, ghê gớm quá tôi không sống được…”. Cứ như thế, ông bà liên tục “đấu tố” nhau. Họ cũng chẳng thể nào ngồi lại để thỏa thuận chia tài sản như tòa hướng dẫn với mong muốn cả hai được hưởng những ngày tuổi già an yên… |
TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)