VÀI NÉT VỀ NGHỀ LUẬT SƯ, CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
Từ lâu, nghề luật sư được xem là một nghề cao quý, cao quý bởi trước hết nó là nghề bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý và góp phần đem lại sự công bằng cho xã hội. Cũng chính vì thế mà nghề luật sư cùng với nhà giáo và bác sỹ là những nghề luôn được xã hội tôn trọng và đề cao.
Trong mắt nhiều người hình ảnh về một luật sư hiện hữu như một biểu tượng vừa thành đạt vừa oai phong và có phần thú vị, bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà nghề luật sư còn là đề tài của giới điện ảnh khai thác bấy lâu nay, có lẽ vì thế mà nhiều sinh viên luật đang chọn con đường trở thành luật sư làm tiêu chí phấn đấu.
Đó chỉ phần bề nổi, một phần mà xã hội có thể thấy từ khía cạnh của một luật sư đang hành nghề và sống được với nghề, mấy ai thấy được cái giá phải trả của cái nghề được xem là cao quý nhưng cũng lắm thị phi và tai tiếng này.
ĐỂ TRỞ THÀNH LUẬT SƯ, PHẢI CHẤP NHẬN TỐN RẤT NHIỀU THỜI GIAN VÀ MỘT KHOẢN CHI PHÍ ĐÁNG KỂ:
Thật vậy, theo quy định hiện hành thì một người muốn trở thành Luật sư phải đạt được các điều kiện sau:
Có bằng cử nhân luật (4 năm) Tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư (12 tháng), tập sự hành nghề và đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư (12 tháng), chờ cấp Chứng chỉ và Thẻ hành nghề Luật sư (thời gian đợi khoảng 4-6 tháng);
Nếu tính thêm cả thời gian đệm giữa các giai đoạn học tập, thời gian chờ cấp thẻ và chứng chỉ, một người muốn trở thành luật sư mất khoảng 7 năm liên tục và không bị gián đoạn, đây là một khoảng thời gian khá dài gọi là chi phí cơ hội để đâu tư cho nghề nghiệp;
Nếu tính tất cả các khoản ăn ở và học phí, tổng chi phí ước tính cho một người muốn trở thành luật sư khoảng: trên dưới 200.000.000 đồng. Ở giai đoạn chỉ lo học tập là chính và chưa kiếm ra tiền thì đây là một khoàn chi phí không hề nhỏ cho những ai muốn trở thành luật sư.
TỐ CHẤT LÀ CẦN THIẾT NHƯNG KINH NGHIỆM LÀ CÁI KHÔNG THỂ THIẾU:
Nghề luật sư là một nghề đặc thù vì vậy đòi hỏi một người muốn trở thành một luật sư thì ngoài tính kiên trì nhẫn nại ra cần phải có tố chất sau: Khả năng giao tiếp, thuyết phục. Khả năng phân tích, tư duy logic và phán đoán. Khả năng giải quyết vấn đề….
Kinh nghiệm là điều hết sức cần thiết cho việc hành nghề, một luật sư không thể hành nghề chỉ dựa vào kiến thức đã học trên giấy, anh ta cần phải tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và phải là những kinh nghiệm liên quan đến pháp lý. Thường thì những kinh nghiệp này có được ở giai đoạn đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng mấy ai có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên pháp lý để có kinh nghiệm, đây cũng là vấ đề khó.
Ý thức được vấn đề này, nhiều sinh viên năm cuối muốn theo nghề luật bắt đầu đi tìm những văn phòng luật sư hoặc công ty luật để tập sự. Vì số lượng các công ty luật hay văn phòng luật sư có hạn và nhiều lý do khác nhau mà việc tập tại các tổ chức nghề nghiệp này cũng không hề dễ….
HÀNH NGHỀ, HÀNH TRÌNH GIAN NAN:
Sau khi bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức học hành cho đến khi trở thành luật sư thì việc bắt đầu hành nghề còn khó khăn gấp bội. Đây mới là thử thách chính thức để chứng minh bạn có phù hợp với nghề này không ?!
Áp lực lớn nhất trong giai đoạn này là làm sao để có khách hàng, vấn đề này được xem là khó khăn nhất đối với một luật sư mới bước vào nghề, năng lực thực sự của một luật sư cần được thể hiện, chứng minh vào lúc này. Một luật sư có kiến thức pháp luật tốt chưa chắc đã là luật sư có khách hàng. Điều này đòi hỏi ngoài kiến thức pháp luật ra, luật sư cũng cần có những kỹ năng khác như khả năng thuyết phục, xây dựng uy tín, xây dựng thương hiệu….
NGHỀ LUẬT SƯ CẠNH TRANH VÀ TỰ ĐÀO THẢI:
Như bao nghề khác, hoạt động luật sư cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường, một luật sư muốn có khách hàng thì luật sư đó cũng phải có thương hiệu nhất định. Ngoài ra sự hiện diện của các công ty luật nước ngoài tại Việt Nam hiện nay cùng với tính chuyên nghiệp và quy mô của họ cũng tạo áp lực cho các Luật sư Việt Nam không nhỏ.
Nhưng trên hết, quy luật tự đào thải của nghề luật sư mới thực sự khốc liệt.
Theo thống kê chưa chính thức của Liên đoàn luật sư Việt Nam cho đến cuối năm 2014, tổng số luật sư của cả nước là 8.928 luật sư. Số lượng luật sư phân bố không đều giữa các tỉnh, thành; số lượng lớn luật sư tập trung ở 2 TP. Hà Nội (2.379 luật sư) và TP. Hồ Chí Minh (3.756 luật sư). Trong đó khoảng 50% là có hoạt động hành nghề, khoảng 10% luật sư sống bằng nghề (luật sư chuyên nghiệp).
Mặc dù nghề luật sư tại Việt Nam so với thế giới còn là một lĩnh vực khá mới mẻ và nhiều tiềm năng. Số lượng luật sư trên đầu người dân còn thấp nhưng không vì vậy mà việc hành nghề của luật sư trở nên dễ dãi.
Ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm chưa nhiều, thị trường khách hàng chưa có mà luật sư phải đối diện với rất nhiều áp lực như: Áp lực tìm kiếm khách hàng, áp lực từ các các cơ quan tố tụng cũng như độ khó và hiệu quả của các công việc mà luật sư phải thực hiện… đa số luật sư không thích ứng được, không vượt qua những thử thách ban đầu và họ chuyển qua làm lĩnh vực khác.
LÀM LUẬT SƯ SẼ GIÀU CÓ?
Nếu chọn nghề luật sư như một cách để làm giàu có vẻ không đúng lắm, bởi so với những người làm kinh doanh, doanh nghiệp thì mức độ kiếm tiền của luật sư xem ra chẳng thấm vào đâu. Thực tế có nhiều luật sư giỏi và uy tín, họ có nhiều khách hàng là doanh nghiệp lớn, thực hiện như vụ án lớn thì việc tạo ra của cải vật chất và cuộc sống sung túc cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm, nhưng thực tế cũng có nhiều luật sư đang loay hoay chật vật với nghề và thụ nhập của họ cũng chỉ đủ trang trai cho cuộc sống hiện tại mà thôi.
NGHỀ LUẬT SƯ LÀ NGHỀ NGUY HIỂM VÀ TAI TIẾNG:
Do tính chất của nghề nghiệp dẫn đến rất nhiều tình huống luật sư phải đối diện với mối nguy hiểm. Trong hầu hết các vụ việc mà luật sư tham gia giải quyết, về cơ bản là nhằm bảo vệ cho một bên, vẫn biết đó là trọng trách của luật sư làm theo pháp luật, nhưng không tránh khỏi sự đụng chạm đến các quyền lợi của nhiều thành phần xã hội khác nhau, những tâm lý kiểu như cay cú, thù hằn bởi thua cuộc không phải là không có. Trên thực tế cũng đã từng xảy ra nhiều vụ trả thù luật sư.
Đa số các công việc luật sư thực hiện là những vấn đề quan trọng có liên quan đến tài sản lớn, quyền và lợi ích sống còn của cá nhân hay tổ chức nào đó, thậm chí đối với những vụ án hoặc việc kiếu nại hành chính thì sự việc còn đụng chạm đên vấn đề quyền lợi của phía cơ quan nhà nước.
Luật sư là người nắm giữ những bí mật quan trọng của khách hàng, tính chất của công việc mà luật sư thực hiện thường hàm chứa những vấn đề xã hội nhạy cảm, vì thế mà trong nhiều trường hợp nó là vấn đề khiến xã hội quan tâm trong đó có cả truyền thông, báo chí. Chính vì vậy mà chỉ cần một sơ suất về nghiệp vụ hoặc tệ hơn là một số luật sư không tỉnh táo, khỗng giữ được mình dính vào tiêu cực sẽ là vấn đề mà dư luận bàn tán, thị phi.
VÀ SỰ TỰ HÀO:
Bất kỳ một xã hội nào, nghề luật sư tồn tại như một nhu cầu không thể thiếu, một xã hội có một nền pháp lý được xem là tiến bộ thì nghề luật sư ở xã hội ấy càng được xem trọng và phát triển theo .
Ở xã hội Nước ta, hàng ngày các cá nhân tổ chức vẫn tìm đến luật sư với những vấn đề của họ. Nghề luật sư là một nghề gian truân vất vả, một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và nỗ lực cao nhưng vẫn phải chấp nhận sự đào thải khắc nghiệt của nó. Sau bao mệt nhọc và áp lực của công việc, niềm vui của khách hàng, sự thỏa mãn của họ cũng là niềm vui của luật sư, nó như tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng để luật sư tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến.
Đâu đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cái nghề này, tôn trọng và ngưỡng mộ, chê bai và đàm tiếu….
Cũng như một xã hội thu nhỏ, nghề luật sư cũng có người thế này người thế khác nhưng tôi dám chắc một điều, một luật sư đã từng tồn tại lâu với nghề, hoặc anh ta muốn tồn tại lâu với nghề thì chắc chắn luật sư đó không thể thiếu cái tâm.
Luật sư nói riêng và nghề Luật nói chung là một nghề vô cùng khó khăn và nhiều rủi ro. Vì vậy, người làm việc trong lĩnh vực pháp luật phải thật thận trong trong công việc, đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Phải làm việc với “một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và một bàn tay sạch”
Lucky’s Nguyễn