SLRI – Hiện nay một số Tòa án địa phương khi nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện thì có nơi yêu cầu người khởi kiện phải có xác nhận nơi cư trú người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận có nơi thì không bắt buộc thủ tục này…
TAND huyện Chư Prông, Gia Lai xét xử vụ án tranh chấp đất đai
1. Đặt vấn đề
Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì đương sự bắt buộc phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân cho Tòa án[1]. Việc người khởi kiện cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, đó là cơ sở để Tòa án có thể tiến hành liên hệ làm việc với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ví dụ như tống đạt văn bản tố tụng. Ngoài ra việc cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn giúp cơ quan thi hành án sau này xác định đúng đối tượng cần phải thi hành án. Đồng thời việc xác định đúng nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn giúp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể đảm bảo quyền liên hệ làm việc với Tòa án, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia tố tụng vụ án.
Tuy nhiên thực tế hiện nay một số Tòa án địa phương khi nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện thì có nơi yêu cầu người khởi kiện phải có xác nhận nơi cư trú người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận có nơi thì không bắt buộc thủ tục này. Dẫn đến việc không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật tại Tòa án địa phương, cụ thể là việc áp dụng không thống nhất trong việc nhận và xử lý đơn khởi kiện tại Tòa án.
2. Các quan điểm không thống nhất
Theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTDS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì ngoài việc bắt buộc đương sự phải nộp đơn khởi kiện theo mẫu quy định thì nội dung đơn khởi kiện đương sự cũng phải trình bày đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật trong đó có nội dung ghi thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, hiện nay có hai quan điểm khác nhau về việc có bắt buộc người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có cần phải xác nhận nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không.
– Quan điểm 1: Quan điểm này cho rằng khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì bắt buộc người khởi kiện phải nộp văn bản xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do cơ quan, tổ chức cấp hoặc xác nhận. Bởi lẽ,
Một là, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) thì: “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”.
Như vậy theo quan điểm này thì người khởi kiện được coi là cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật khi đáp ứng một trong hai điều kiện là phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận (Ví dụ: Xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú do Công an cấp xã cấp hoặc xác nhận) hoặc là có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Ví dụ: Người khởi kiện nộp Biên nhận vay tiền nợ có ghi thông tin địa chỉ nơi cư trú của bị đơn).
Quan điểm này cho rằng nếu có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì người khởi kiện cũng cần phải xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận. Bởi lẽ có một số trường hợp trong biên nhận hoặc hợp đồng thì địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ghi nhầm lẫn hoặc một lý do nào đó họ cố ý ghi sai thông tin về địa chỉ nơi cư trú. Do đó trong trường hợp này người khởi kiện cũng bắt buộc phải nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để nhận và xử lý đơn khởi kiện được đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, trong một số trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan căn cứ vào các tài liệu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp xác nhận trước đây ví dụ như giấy chứng nhận kết hôn có ghi địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện và địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng tại thời điểm nộp đơn khởi kiện thì địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện đã thay đổi. Do đó trong trường hợp này người khởi kiện cũng bắt buộc phải xác nhận nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hai là, việc xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ban đầu chính xác thì sẽ tiết kiệm được chi phí tiền bạc và thời gian của Tòa án khi không phải đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực của ngành Tòa án hiện nay.
Ba là, theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 62/2021/NĐ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú (Nghị định 62/2021/NĐ-CP) thì để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân nên người khởi kiện không được xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trừ trường hợp phục vụ hoạt động xét xử. Tức là, trong trường hợp này Tòa án phải có bảng đề nghị gửi cơ quan có thẩm quyền xác nhận nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng người khởi kiện không biết được thông tin của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên không ghi được trong đơn khởi kiện và Tòa án khi đó cũng không thể có văn bản đề nghị xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, việc người khởi kiện bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cần thiết ban đầu để Tòa án nhận đơn khởi kiện.
Quan điểm 2: Quan điểm này cho rằng việc xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không bắt buộc khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, lý giải cho quan điểm này cụ thể như sau:
Một là, mặc dù theo quan điểm tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 ghi nhận khi người khởi kiện không có căn cứ chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải có xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận. Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 quy định các trường hợp được cung cấp, trao đổi, thông tin, tài liệu trong cơ sở dữ liệu về cư trú như sau:
“a) Cơ quan tiến hành tố tụng được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;
b) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu cư trú để phục vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
c) Công dân được cung cấp, trao đổi thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
d) Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c khoản này có nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân khác phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được Trưởng Công an cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi công dân đó đăng ký thường trú hoặc tạm trú đồng ý cho phép cung cấp, trao đổi thông tin”
Do đó trong trường hợp này người khởi kiện sẽ không được xác nhận thông tin nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không có sự đồng ý của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thông tin nơi cư trú của họ. Vì vậy người khởi kiện sẽ không thể nộp được xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án được.
Hai là, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản việc sắp xếp như quy định tại Điều 4 trên thể hiện giá trị pháp lý từ cao xuống thấp dựa trên địa vị pháp lý của cơ quan ban hành và tính chất của văn bản. Do đó, Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú sẽ có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án. Vì vậy, việc áp dụng pháp luật về xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện phải áp dụng giá trị văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định của Chính phủ.
Theo quan điểm của người viết thì ủng hộ quan điểm 1 vì khi nộp đơn khởi kiện người khởi kiện phải có xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là điều cần thiết. Bởi lẽ, việc xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án đúng thẩm quyền, đảm bảo việc tiết kiệm tiền bạc và thời gian của Tòa án khi không phải đình chỉ giải quyết vụ án khi người khởi kiện không cung cấp địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau này, đặc biệt là tiết kiệm được nguồn nhân lực của Tòa án hiện nay, khi số lượng án thụ lý, giải quyết hằng năm đều tăng dần và vụ án tranh chấp ngày càng phức tạp nhưng biên chế của Tòa án thì không đủ để đáp ứng công việc.
Trên đây là quan điểm tác giả, rất mong nhận được ý kiến thảo luận của quý độc giả.