TTO – Đúng ngày này một năm về trước – ngày 7-7-2015, dư luận đã bàng hoàng hay tin cả gia đình ông chủ xưởng gỗ tại Bình Dương bị giết hại.
Nét mặt lạnh lùng của Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa xét xử – Ảnh: Xuân An |
Đúng một năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát gia đình sáu người gây rúng động dư luận (ngày 7-7-2015), xưởng gỗ của gia đình nạn nhân Lê Văn Mỹ trên quốc lộ 13, tỉnh Bình Phước đã hoạt động trở lại.
Nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát này – Bé Na, khi ấy 18 tháng tuổi, hiện đang được một người thân trong gia đình đưa về TP.HCM nuôi dưỡng.
Sau một năm, người thân các nạn nhân và của chính những sát thủ trong vụ án đều cố gắng vượt qua những nỗi đau khắc khoải của vụ án để trở lại cuộc sống bình thường.
Vụ thảm sát xảy ra tại căn biệt thự trên quốc lộ 13, thuộc xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vào rạng sáng 7-7-2015 khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng – Ảnh: Xuân An |
Quặn thắt những nỗi đau
Đó là lời tâm sự của một người em trai nạn nhân Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (vợ ông Mỹ) một năm sau ngày xảy ra thảm sát.
“Đến tòa nghe lại cáo trạng, những lời khai mô tả hành vi của các hung thủ thì nỗi đau trong lòng chúng tôi lại bị khơi lại. Thâm tâm tôi mong sớm bản án có hiệu lực thi hành để cuộc sống của cháu tôi và gia đình chúng tôi được bình yên” – ông cho hay.
Theo thông tin được biết, hiện bé Na đã được đưa về TP.HCM nuôi dưỡng. Bé nay gần 3 tuổi và đang đi học mẫu giáo. Chịu trách nhiệm nuôi dưỡng bé là một người dì của bé (em gái của bà Ánh Nga).
Dì của bé chưa có gia đình riêng nhưng có công việc, thu nhập ổn định tại TP.HCM và rất yêu thương bé nên hi vọng có thể bù đắp, chăm sóc tốt nhất cho bé.
Về ngôi nhà và xưởng gỗ của gia đình nạn nhân, luật sư Đào Xuân Thành – Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, là người đại diện quyền lợi cho gia đình bị hại tại tòa sơ thẩm cho hay hiện nay gia đình nạn nhân đã thống nhất toàn bộ tài sản do bé Na thừa kế.
Trong thời gian chờ bé Na tới tuổi trưởng thành, một người em gái khác của bà Ánh Nga được giao quản lý khối tài sản này. Được biết, hiện nay xưởng gỗ của Công ty Quốc Anh đã được khôi phục sản xuất trở lại.
Gia đình nạn nhân khóc ngất khi các hung thủ của vụ án được dẫn giải ra tòa – Ảnh: Xuân An |
Những dấu lặng trong vụ án mạng kinh hoàng
Vụ thảm sát tại Bình Phước không chỉ gây nỗi đau cho gia đình các nạn nhân mà còn để lại nỗi buồn thăm thẳm cho thân nhân chính các bị cáo.
Đã gần một năm nay kể từ khi con trai bị bắt, bà Vũ Thị Thi (mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến) tuy tuổi đã cao nhưng vẫn phải chạy đôn chạy đáo mong xin tòa giảm nhẹ hình phạt tử hình cho con trai.
Có những lần từ trại giam thăm Tiến về nhà, bà lại khóc. Khi tòa xử sơ thẩm hồi tháng 12-2015, người mẹ này cũng có mặt nhưng chỉ lặng lẽ đứng từ xa, hòa lẫn giữa đám đông coi xét xử.
Khi đã có bản án sơ thẩm, bà Vũ Thị Thi lại đi vận động mọi người ký tên để xin giảm án cho con. Rồi bà cũng gom góp được 20 triệu đồng để đền bù cho gia đình nạn nhân, mong bù đắp một phần nỗi mất mát cho họ và cũng là để mong giảm án cho con mình.
Còn với Nguyễn Hải Dương – bị cáo chủ mưu trong vụ giết người man rợ này, đã chấp nhận phán quyết tử hình của tòa sơ thẩm và không kháng cáo.
Tại tòa sơ thẩm, có những lúc nghe nhắc về hành vi giết người của mình, Dương lại lặng lẽ cúi mặt. Khi được nói lời sau cùng, Dương đã xin lỗi gia đình các nạn nhân vì đã gây ra đau khổ cho họ.
Nhưng còn có một điều khác dù Nguyễn Hải Dương chưa nói, nhưng chính Dương cũng đã tự gây ra những mất mát to lớn cho chính mình và những người thân của mình. Những đau khổ, mất mát ấy, dù sau một năm hay 10 năm nữa có lẽ cũng khó có thể bù đắp lại được.
Vụ án gây chấn động dư luận nên hàng ngàn người tập trung về theo dõi phiên tòa xét xử – Ảnh: Xuân An |
Vụ án man rợ Rạng sáng 7-7-2015, người dân bàng hoàng phát hiện sáu người trong một gia đình bị sát hại tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước gồm: ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai của ông Mỹ và bà Nga) bị giết chết tại tầng trệt căn biệt thự. Lê Thị Ánh Linh (20 tuổi, con gái của ông Mỹ và bà Nga) và Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu bà Nga) bị giết chết trên lầu. Còn Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu của bà Nga) bị giết chết ngay gần tường rào ngoài cổng. Vụ án gây chấn động cả nước và gây hoang mang dư luận. Bộ Công an đã tăng cường rất đông lực lượng của bộ để phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của công an gần 20 tỉnh, thành phía Nam để điều tra vụ án. Qua sàng lọc, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, từng làm trong xưởng gỗ và là người yêu cũ của con gái ông Mỹ) là nghi can chính nên đã tạm giữ Dương khi đối tượng này tới đám tang của các nạn nhân một ngày sau vụ thảm sát. Sau đó, ngày 10-7, cơ quan điều tra tiếp tục bắt khẩn cấp Vũ Văn Tiến (24 tuổi, bạn của Dương) khi Tiến đang lẩn trốn tại một nhà trọ tại TP.HCM. Tới ngày 9-8, Cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam thêm Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) là bị can thứ ba liên quan tới vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17-12-2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án tử hình với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến về hai tội giết người và cướp tài sản. Trần Đình Thoại 16 năm tù. |
“Theo dự kiến, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án vào ngày 18-7 do có đơn kháng cáo của bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại.
Như vậy, sau lần phúc thẩm dự kiến tổ chức tại Bình Phước ngày 12, 13-5 nhưng bị hoãn, TAND cấp cao đã quyết định không tiếp tục xử lưu động và đưa vụ án về TP.HCM để xét xử”. |
BÁ SƠN