EnglishVietnamese
Trang chủ / Nghiên cứu - Xây dựng pháp luật / Cung Cấp Thông Tin / Thấy gì qua lời thú nhận trách nhiệm của Formosa ?

Thấy gì qua lời thú nhận trách nhiệm của Formosa ?

(Bạn đọc) – 5 giờ chiều ngày hôm nay (30/06), Chính phủ sẽ tổ chức họp báo công bố về nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4 vừa qua. Nhưng mới đây, một công văn đề ngày 18/06 lan truyền trên mạng xã hội được cho là của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức thừa nhận nhà máy Formosa đã gây ra vụ cá chết hàng loạt.

Cùng với thừa nhận sai phạm và bồi thường thiệt hại cho người dân, Formosa cần nhanh chóng loại bỏ hệ thống xả thải ngầm đổ thẳng ra biển

Đổ lỗi thảm họa do “sự cố mất điện”, ông Chủ tịch FHS hãy giải thích việc Formosa cố ý giấu đường ống xả thải dưới biển để làm gì?

Trong công văn Chủ tịch công ty FHS – ông Trần Nguyên Thành gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mấy điểm đáng quan tâm:

Thứ nhất, FHS cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa do nhà máy gặp sự cố mất điện hồi đầu tháng 04/2016, do đó đã không thể kiểm soát được nước thải, làm ảnh hưởng đến môi trường nước biển miền Trung và là nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.

Đây không chỉ là hành vi chạy tội “vụng về” của tập đoàn Formosa, mà còn là một sự coi thường Chính phủ và nhân dân Việt Nam. FHS viện vào lý do “mất điện” để cho rằng “sự việc chỉ là một sự cố ngoài ý muốn”. Thật không thể chấp nhận được.

Nếu “mất điện”, ông Chủ tịch Trần Nguyên Thành hãy giải thích tại sao nhà máy thép vẫn tiếp tục hoạt động và xả thải hàng nghìn mét khối nước thải vào biển trong nhiều ngày như thế? Việt Nam không thể chấp nhận được lời xin lỗi qua loa và kém thành thật của FHS như thế.

Công văn của Formosa Vũng Áng thừa nhận trách nhiệm và nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt.

Mặc dù đã thừa nhận nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, FHS liên tục quanh co, lấp liếm trách nhiệm đối với thảm họa môi trường tại miền Trung.

Tập đoàn Formosa ngang nhiên yêu cầu bảo vệ uy tín.

Giả sử FHS gặp sự cố mất điện, dẫn đến việc không kiểm soát được hệ thống nước thải, thì đáng lẽ trước hết công ty phải ngừng ngay việc xả thải, chứ không phải cố ý tuồn ra môi trường hàng tấn chất độc làm chết người, chết cá như vậy. Kế đến Formosa đã phải lên tiếng báo động ngay với người dân để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra, chứ không phải lớn tiếng thách thức “chọn thép hay chọn cá”, rồi im lặng suốt 3 tháng qua mà không một lời xin lỗi, không một động thái ăn năn.

Hơn nữa, lý do “mất điện” không thể nào lấp liếm, bào chữa cho việc FHS cố ý thiết lập trái phép hệ thống ống xả thải ngầm dài 1.500 mét đặt sâu dưới lòng biển (đã được Đài Truyền hình VTV14 kiểm nhận theo phát hiện của các thợ lặn trong vùng, và chính Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã yêu cầu dỡ bỏ).

Tóm lại, việc FHS đổ lỗi cho sự cố mất điện khiến không kiểm soát được hệ thống nước thải độc hại, gây chết người, chết cá và tàn phá toàn bộ khu vực biển trải dài 200 cây số là điều không thể chấp nhận được. Đây là tội hình sự có chủ mưu, chứ không phải là “sự cố ngoài ý muốn” như ông Trần Nguyên Thanh đã viết trong lá thư. FHS phải bị xử lý theo đúng luật pháp Việt Nam.

Thứ hai, FHS hứa sẽ “giải quyết đền bù các thiệt hại” đã xảy ra đối với người dân bị ảnh hưởng do sự cố này và giúp người dân “nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm phù hợp”.

Bồi thường thiệt hại là chuyện đương nhiên, nhưng tại sao FHS cố tình im lặng suốt 3 tháng qua để hàng ngàn ngư dân Việt Nam sống trong lo sợ, hoang mang? Nếu FHS thật sự nhận lỗi và muốn đền bù cho ngư dân trong vùng sau thảm kịch cá chết, sao không tiến hành ngay mà đợi đến khi sự việc đã ngã ngũ? Lãnh đạo Formosa có thật tâm muốn bồi thường hay chỉ “hứa cho xong chuyện”?

FHS cần có những hành động cụ thể để chứng minh thiện chí cải tạo môi trường biển đã bị nhiễm độc trầm trọng. Hơn nữa, lời cam kết bồi thường của FHS cũng không nhắc đến những nạn nhân đã thiệt mạng do nhiễm độc tố và khắc phục tác hại lâu dài cho môi trường biển và sức khỏe của người dân. Ông Chủ tịch Trần Nguyên Thành đã “vô tình” quên mất hay “cố ý” bỏ qua những vấn đề này?

Thứ ba, FHS hứa sẽ tìm kiếm chuyên gia quốc tế giúp đỡ cải thiện hệ thống xử lý chất thải trong dự án, bảo đảm đạt tiêu chuẩn quốc tế và gửi báo cáo khắc phục lên chính phủ Việt Nam.

Như vậy, FHS đã thừa nhận chính hệ thống xử lý chất thải hiện không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mới chính là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng, chứ không phải do “sự cố mất điện” mà FHS đổ lỗi bên trên. Lập luận bất nhất của doanh nghiệp này khiến chúng ta một lần nữa nghi ngờ lời xin lỗi và thiện chí khắc phục sự cố của Formosa.

Với khả năng xử lý chất thải quá yếu kém và vô trách nhiệm như thế, thì liệu chúng ta có tin được FHS sẽ thuê mướn các chuyên gia quốc tế để cải thiện hệ thống xả thải hay không?Chính phủ cần đặt ra điều kiện là FHS không được phép hoạt động cho tới khi có những cơ quan độc lập quốc tế xác định hệ thống xả thải cũng như mọi điều kiện hoạt động của Formosa Hà Tĩnh đều an toàn cho nhân viên, người dân và môi trường xung quanh.

Nói cách khác là công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ phải đóng cửa, ngừng mọi hoạt động đến khi hệ thống xả thải đạt chuẩn quốc tế. Chỉ có giải pháp này mới thực sự ngăn ngừa thảm kịch môi trường tái diễn; và trong thời gian đó, FHS phải hoàn tất bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung với những thiệt hại về đời sống và sức khỏe trong ngắn hạn cũng như về lâu về dài. Việc bồi thường cũng phải bao gồm nỗ lực tẩy sạch các chất độc trong vùng ô nhiễm và phục hồi trạng thái cũ của thiên nhiên.

Bạn đọc Nhật Anh

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)