1. Một số bất cập trong thực tiễn xét xử về kinh doanh, thương mại ở Việt Nam
Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn xét xử về kinh doanh, thương mại ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể:
Một là, chưa có sự thống nhất trong hướng xử lý giữa các Tòa án trong trường hợp thỏa thuận về mức phạt vi phạm vượt quá 8% nghĩa vụ bị vi phạm. Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Dựa vào quy định trên, có thể hiểu, trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm mà vượt quá mức 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ không được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử của các Tòa án lại có các hướng giải quyết khác nhau trong trường hợp này: (i) Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì phần vượt quá không được tính. Điều này có nghĩa, mức phạt sẽ được xác định là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. (ii) Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì điều khoản này bị xác định là vô hiệu và không được áp dụng[1].
Đơn cử: Bản án số 17/2017/KDTM-ST ngày 06/6/2017 của Tòa án nhân dân quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa[2], các bên thỏa thuận trong hợp đồng về mức phạt vi phạm là 8% giá trị hợp đồng. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả tiền phạt vi phạm với mức phạt vi phạm là 8% giá trị hợp đồng. Tòa án căn cứ vào Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, ra quyết định là không chấp nhận với yêu cầu phạt của nguyên đơn vì vượt quá quy định của Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, điều khoản phạt vi phạm vẫn có hiệu lực và phần vượt quá sẽ không được tính, buộc bị đơn chịu phạt vi phạm với mức phạt sẽ được xác định là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Cũng cùng một vấn đề về thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá quy định Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 nhưng tại Bản án số 01/2017/KDTM-ST ngày 20/7/2017 của Tòa án nhân dân thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản[3], các bên thỏa thuận trong hợp đồng về mức tiền phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán 20% giá trị hợp đồng. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả tiền phạt vi phạm với mức phạt 20% giá trị hợp đồng. Tòa án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm của nguyên đơn vì mức phạt vi phạm hợp đồng không được quá 8% giá trị hợp đồng và xác định điều khoản này bị vô hiệu. Qua thực tiễn xét xử của Tòa án, có thể thấy, hiện nay, hướng giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận về mức phạt vi phạm vượt quá quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 còn khác biệt, chưa có sự thống nhất với nhau.
Hai là, quy định về thỏa thuận mức lãi suất phạt của các bên trong hợp đồng trong Luật Thương mại năm 2005 chưa cụ thể. Căn cứ vào Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, sẽ ưu tiên tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về mức lãi suất chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác. Qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng, trong Bản án số 05/2021/KDTM-PT ngày 22/4/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa[4], nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Bê tông T (Công ty T) kiện Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư V (Công ty V) vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Công ty T yêu cầu Công ty V thanh toán số tiền 325.646.300 đồng, trong đó, nợ gốc là 263.021.000 đồng và tiền lãi tính từ thời điểm 01/02/2020 đến ngày xét xử là 29/01/2021, mức lãi suất quá hạn là 0,0188%/tháng, tiền lãi là 62.625.300 đồng. Tòa sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Các đương sự không có kháng cáo, tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng có quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa một phần Bản án sơ thẩm đối với phần yêu cầu trả tiền lãi chậm thanh toán. Theo Viện kiểm sát mức lãi suất 0,188%/tháng (22,5%/năm) mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán đã vượt quá mức lãi suất 20%/năm theo quy định về lãi suất cho vay tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Sau đó, Tòa phúc thẩm đã tuyên bố không chấp nhận mức lãi suất 22,5%/năm mà các bên đã thỏa thuận, buộc các bên lùi về mức lãi 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Qua Bản án này, có thể thấy, việc Viện kiểm sát và Tòa phúc thẩm áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất cho vay vào xem xét thỏa thuận của các bên về phạt lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã gây nhiều băn khoăn, lúng túng cho các bên. Bởi vì, thỏa thuận của các bên về mức lãi suất phạt phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và đây là hợp đồng mua bán giữa các bên, chứ không phải hợp đồng cho vay. Đồng thời, việc các bên tranh chấp thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại và Luật Thương mại năm 2005 có quy định cụ thể thì không nên xem xét quy định Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 về lãi suất trong hợp đồng cho vay. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định rõ ràng về việc có đương nhiên được áp dụng giới hạn lãi suất trong hợp đồng cho vay để xem xét cho việc thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán trong các hợp đồng thương mại theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Hiện nay, có 02 quan điểm trái chiều nhau về việc thỏa thuận mức lãi phạt chậm thanh toán này của các bên trong hợp đồng. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc các bên thỏa thuận mức lãi phạt chậm thanh toán là phù hợp với quy định của Luật Thương mại năm 2005 và cần được chấp nhận; quan điểm thứ hai lại cho rằng, dù các bên đã thỏa thuận nhưng mức lãi phạt chậm thanh toán cũng không được cao hơn 20%/năm theo quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ba là, chưa quy định rõ ràng, cụ thể về vấn đề cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư. Theo đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022): “Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư”. Như vậy, theo quy định này thì khi nguyên đơn khởi kiện, bên cạnh các khoản bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn cũng có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư. Tuy nhiên, Luật này lại không có quy định hướng dẫn cụ thể là chi phí như thế nào là chi phí hợp lý, ai là người có nghĩa vụ chứng minh chi phí này, cũng như không giới hạn mức chi phí luật sư này. Do đó, dẫn đến trường hợp, dù Luật có quy định đây là một khoản chi phí nguyên đơn có quyền yêu cầu nhưng trên thực tế xét xử, rất ít trường hợp nguyên đơn được nhận khoản chi phí này. Đây có thể được coi là “lỗ hổng”, có quy định nhưng không thực hiện được, có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị xâm hại về quyền sở hữu trí tuệ.
2. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại ở Việt Nam
Một là, đề xuất đưa Bản án số 17/2017/KDTM-ST ngày 06/6/2017 của Tòa án nhân dân quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa phát triển thành án lệ về hướng xử lý cho trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm – vấn đề mà pháp luật chưa quy định rõ ràng. Theo đó, dù các bên đương sự đã có thỏa thuận với nhau về mức phạt vi phạm vượt quá quy định so với Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, tuy nhiên, Tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm của nguyên đơn và buộc bị đơn chịu phạt với mức phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, không tính phần vượt quá. Bởi vì, căn cứ theo Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, chỉ quy định các bên được thỏa thuận phạt vi phạm nhưng không được vượt quá mức trần 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm mà không quy định hướng giải quyết cho trường hợp nếu các bên thỏa thuận vượt quá mức trần trên sẽ xử lý như thế nào. Điều này tạo nên sự lúng túng cho Tòa án và gây ra tình trạng thiếu sự thống nhất trong quyết định của các Tòa án trong phạm vi lãnh thổ.
Hai là, cần quy định cụ thể về thỏa thuận lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Theo quan điểm của tác giả về vụ án trong Bản án số 05/2021/KDTM-PT ngày 22/4/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, do cả hai bên đã có thỏa thuận khác nên thỏa thuận về mức lãi phạt chậm thanh toán này hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và Tòa án cần chấp nhận nó. Như đã phân tích ở trên, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất trong hợp đồng cho vay và pháp luật không quy định đương nhiên được áp dụng trong hợp đồng thương mại. Đồng thời, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 cho phép các bên thỏa thuận mức lãi suất phạt chậm thanh toán, do đó, không nên áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi bản chất của thỏa thuận phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng thương mại là một chế tài để “răn đe” các chủ thể cố tình vi phạm nghĩa vụ, không thuộc phạm vi điều chỉnh về lãi suất cho vay để kiểm soát hoạt động cho vay, thực hiện chính sách về tiền tệ của Nhà nước[5]. Hơn nữa, quy định về lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm kiểm soát hoạt động cho vay, với mục đích thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của Nhà nước, tạo sự ổn định và cân bằng trong quản lý tiền tệ. Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại là “sân chơi” của các nhà đầu tư với nhau và cần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, cũng như bảo đảm đủ tính “răn đe” cho các bên thực hiện đúng theo thỏa thuận hợp đồng. Do đó, không nên điều chỉnh hay giới hạn mức lãi suất phạt chậm thanh toán theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thương mại bởi lãi suất cho vay và việc thẩm phán vẫn áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không hợp lý. Chính vì vậy, tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 cần quy định rõ về việc có được áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 vào trong thỏa thuận mức lãi suất phạt chậm thanh toán hay không. Theo quan điểm của tác giả, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nên quy định theo hướng không áp dụng nhằm bảo đảm đúng bản chất của thỏa thuận trong hợp đồng thương mại.
Ba là, đề xuất đưa Bản án sơ thẩm số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” phát triển thành án lệ về chi phí hợp lý để thuê luật sư trong vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định người có quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư. Tuy nhiên, Luật này không quy định rõ về cách xác định như thế nào về chi phí hợp lý thuê luật sư. Qua bản án trên, Tòa án đã phần nào giải quyết được vấn đề xác định chi phí hợp lý để thuê luật sư. Cụ thể, Bản án sơ thẩm số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần giám định V với bị đơn là Công ty cổ phần D. Nguyên đơn yêu cầu chi phí luật sư là 50 triệu đồng và đưa ra chứng cứ là hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với Công ty Luật hợp danh P, đồng thời hóa đơn giá trị gia tăng về toàn bộ số tiền này là chi phí trả thù lao luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Tòa án căn cứ vào hợp đồng thuê luật sư giữa hai bên và Điều 55 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định về thù lao theo giờ làm việc của luật sư, Tòa án xác định đây là chi phí chọn gói để thuê luật sư, trong đó bao gồm cả chi phí không hợp lý (nguyên đơn tự chịu là nộp đơn khởi kiện và thay mặt công ty tham gia tố tụng) và chi phí được Tòa xem xét là chi phí hợp lý (thuê luật sư tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn). Tòa án xác định phần chi phí không hợp lý chiếm ½ tổng chi phí. Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán 50% chi phí hợp lý thuê luật sư, tức 25 triệu đồng.
Với hướng giải quyết này của Tòa án đã đưa ra được cách xác định chi phí nào là hợp lý bằng cách căn cứ vào hợp đồng thỏa thuận thuê luật sư của các bên. Bên cạnh đó, với bản án này, cũng có thể áp dụng tương tự với cách thức xác định chi phí hợp lý thuê luật sư trong trường hợp tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện, nếu Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm hoặc trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị gây thiệt hại do các cá nhân, tổ chức khác lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, bản án này đã phần nào giúp cho các thẩm phán có được hướng giải quyết trong trường hợp xác định chi phí hợp lý thuê luật sư, cũng như bảo đảm được quyền lợi chính đáng của bên bị xâm phạm. Đồng thời, nếu bản án này được trở thành án lệ thì cũng giúp cho các bên khi tham gia quan hệ sở hữu trí tuệ có thể tham khảo để biết cách đưa ra các bằng chứng nhằm thực hiện hiệu quả quyền yêu cầu bồi thường của mình, bảo vệ được quyền lợi của chính mình.
ThS. Trịnh Tường Khiêm
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Đinh Văn Cường, Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại và mối quan hệ giữa hai chế tài, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 03/2020, năm 2020, tr. 51.
[2]. Bản án số 17/2017/KDTM-ST ngày 06/6/2017 của Tòa án nhân dân quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-172017kdtmst-ngay-06062017-ve-tranh-chap-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-1666, truy cập ngày 08/9/2023.
[3]. Bản án số 01/2017/KDTM-ST ngày 20/7/2017 của Tòa án nhân dân thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta7231t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 08/9/2023.
[4]. Bản án số 05/2021/KDTM-PT ngày 22/4/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta693967t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 08/9/2023.
[5]. Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy, Tranh chấp tiền lãi trong hợp đồng mua bán hàng hóa, http://www.luatsubaochua.org/tin-tuc/65/Tranh-Chap-Tien-Lai-Trong-Hop-Dong-Mua-Ban-Hang-Hoa.html, truy cập ngày 08/9/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)