SLRI – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility, viết tắt: CSR) là một dạng hoạt động có quy tắc được các doanh nhân nghiệp tự đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp đóng góp cho các mục tiêu xã hội dưới vai trò là một doanh nghiệp nhân đạo, hoạt động vì cộng đồng bằng cách tham gia, hỗ trợ các hoạt động tình nguyện hoặc thực hiện những hoạt động mang tính đạo đức.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, ở Điều 7 là quy định các quyền của doanh nghiệp thì ngay tại Điều 8 là các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Khi phân tích Điều 8 của Luật Doanh nghiệp thì tiêu chuẩn cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ là:
Thứ nhất, nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp tuân thủ về điều kiện kinh doanh. Là khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh nghành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của luật đầu tư và đảm bảo duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng .Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố. Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
Thứ ba, nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế, tài chính đối với Nhà nước. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê. Hiện nay, công tác lập báo cáo tài chính của Doanh nghiệp được thực hiện theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC và doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế, nộp thuế cùng các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.
Thứ tư, Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp, không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, trách nhiệm của doanh nghiệp với trật tự chung của xã hội. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Doanh nghiệp được quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận và tăng số lượng việc làm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để kinh doanh phát triển bền vững và ổn định, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng. Trong các khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì trách nhiệm tuân thủ pháp luật chính là một phần của bản “cam kết” và là sợi dây gắn kết giữa doanh nghiệp và xã hội.